Intel vừa công bố một chiếc card dual-slot PCIe mới mà họ đặt tên là “The Element”, dù rằng tên sản phẩm chính thức vẫn chưa rõ. The Element tích hợp bên trong vi xử lý, bộ nhớ, ổ cứng, và các giao diện khác như Thunderbolt 3, Ethernet, Wi-Fi và các cổng USB.
The Element được phát triển bởi Intel System Product Group, chính là đội ngũ đằng sau NUC (Next Unit of Computing) và NUC Compute Element. Được biết, Intel đã trình diễn một bản mẫu hoạt động được của The Element tại một sự kiện tổ chức ở London vào hôm qua. The Element được đặt trong một hộp dual-slot với kích thước chưa rõ, hình dáng trông như một chiếc card đồ họa.
Intel phát triển The Element để có thể gắn vào một bảng mạch với các khe PCIe, và nó có thể được kết hợp với các card đồ họa hoặc các bộ tăng tốc khác. Ý tưởng của hãng là bạn có thể nâng cấp hệ thống bằng cách thay nóng một mô-đun duy nhất thay vì phải tháo gỡ một loạt các linh kiện khác nhau. Không may là ở thời điểm hiện tại, bạn vẫn sẽ phải tự mình tháo ổ SSD.
Bản mẫu The Element mà chúng ta thấy dưới đây được trang bị một vi xử lý Intel BGA Xeon chưa xác định, 2 khe bộ nhớ SO-DIMM LPDDR4 và M.2, người dùng có thể gắn các linh kiện theo ý muốn vào đây. Các onboard controller sẽ đảm nhận các chức năng như mạng không dây, màn hình, và các loại kết nối khác. Tấm chắn sau có 2 cổng Ethernet, 4 cổng USB 3.0, 2 cổng Thunderbolt 3, và một cổng HDMI tận dụng sức mạnh từ GPU tích hợp trên côn chip Xeon. The Element có một quạt làm mát đảm bảo hệ thống luôn có nhiệt độ ổn định. Cần chú ý là chúng ta đang thấy một thiết bị concept, nên sản phẩm hoàn thiện nhiều khả năng sẽ rất khác so với bản mẫu.
The Element giao tiếp với bảng mạch thông qua một giao diện PCIe x16 tiêu chuẩn. Có thể đây là chuẩn PCIe 3.0, nhưng Intel không xác nhận điều này. Nhà sản xuất chip chỉ cho biết họ đã lên một lộ trình cụ thể cho The Element. Do đó, có thể thiết bị khi ra mắt chính thức sẽ tận dụng giao diện PCIe 4.0 mới hơn, hay thậm chí là PCIe 5.0 trong các thế hệ sau này.
Về mặt tiêu thụ điện năng, The Element có thể dùng tổng điện năng lên đến 225W (75W từ khe PCIe và 150W từ đầu kết nối nguồn PCIe 8 chân). Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý ở đây là 225W này được chia đều cho vi xử lý, bộ nhớ, và thiết bị lưu trữ. Tùy thuộc vào cấu hình, có thể vi xử lý sẽ không nhận được đủ điện năng cần thiết, do đó số lựa chọn về vi xử lý mà bạn có thể dùng cho The Element có lẽ sẽ bị giới hạn đôi chút. May mắn là thiết bị này vẫn còn ở giai đoạn bản mẫu, và vẫn còn đủ thời gian để Intel cải tiến hơn nữa về thiết kế.
Intel cho rằng các đối tác có thể tự sản xuất The Element. Vì lẽ đó, sẽ không có bất kỳ đối tác AIB (add-in board) nào cho The Element, bạn đừng nên trông chờ sẽ thấy các mẫu The Element bên thứ ba với thiết kế đặc sắc hay đi kèm hệ thống đèn RGB điên rồ. Về cơ bản, The Element nhắm đến các OEM để họ có thể dùng nó bên trong các hệ thống đã lắp ráp trước của họ. Dù vậy, Intel sẽ cho phép các OEM thay đổi thiết kế và tạo ra các bảng mạch riêng của họ.
Khá ngạc nhiên là The Element được xếp chung danh mục với NUC, có nghĩa là có khả năng thiết bị này sẽ được tung ra thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên có lẽ sẽ có khá ít người tiêu dùng chọn nó ngoài các công ty cần các thiết bị chuyên dụng, bởi nó sẽ có một mức giá khá chát. Suy cho cùng, đây là loại công nghệ thuộc cấp độ doanh nghiệp.
Intel rất lạc quan sẽ chuyển giao The Element (hay bất kỳ cái tên gì khác mà họ sẽ gọi nó trong tương lai) cho các OEM trong quý đầu tiên của năm 2020. Hiện vẫn chưa có giá bán và các cấu hình cụ thể của thiết bị.
Theo Genk