Tư vấn bán hàng
Intel vừa công bố hàng loạt vi xử lý Xeon thế hệ mới và các giải pháp lưu trữ Intel Optane chuyên cho việc di chuyển, lưu trữ và xử lý dữ liệu.
Bộ vi xử lý Xeon Scalable Cascade Lake
Điểm nhấn quan trọng nhất trong lần ra mắt này của Intel chính là việc trình làng vi xử lý Xeon Scalable thế hệ thứ hai, mang tên Cascade Lake. So với thế hệ Xeon Scalable Skylake đầu tiên, Cascade Lake không sử dụng kiến trúc mới, nhưng được cải tiến lớn về hiệu năng và các thông số khác.
Xeon Platinum 9200 là bộ vi xử lý mới nhất và mạnh nhất của dòng chip máy chủ thế hệ mới này. Xeon Platinum 9200 kết hợp hai con chip 28 lõi thành một tấm silicon duy nhất. Nhờ đó tạo nên một vi xử lý tới 56 lõi, 112 luồng và 12 kênh bộ nhớ. Nguồn điện tiêu thụ vì thế cũng tăng từ 205W lên 400W.
Cascade Lake sẽ tích hợp công nghệ Intel Deep Learning Boost (Intel DL Boost) giúp tăng tốc các tác vụ suy luận của trí tuệ nhân tạo như nhận dạng hình ảnh, phát hiện đối tượng và phân đoạn hình ảnh trong trung tâm dữ liệu, doanh nghiệp và các môi trường tính toán biên.
Hiện nay, các bộ vi xử lý Intel Xeon Scalable đang cho phép các mạng 5G sẵn sàng đưa vào khai thác với hiệu năng cao, nhanh chóng, hiệu quả, và có thể mở rộng.
Intel cho biết những bộ vi xử lý Cascade Lake dành cho máy chủ này sẽ không được bán trực tiếp, thay vào đó sẽ được cung cấp kèm các gói giải pháp trung tâm dữ liệu cho doanh nghiệp. Và vì thế những con chip này cũng không có giá bán lẻ.
Xeon D-1600
Trên thực tế, dòng chip xử lý Xeon D-1600 mới được Intel ra mắt chính là Xeon D-1500 NS với tốc độ xung nhịp cao hơn khoảng 1,2 đến 1,5 lần. Vẫn sẽ có 2 – 8 lõi, nhưng tốc độ xung nhịp cơ bản được tăng lên 2.9GHz và khi tăng tốc lên 3.2GHz.
Xeon D-1600 sẽ dành cho điện toán biên (Edge Computing) và các giải pháp lưu trữ và bảo mật. Đây là một hệ thống nằm hoàn toàn trên một con chip (SoC) được tích hợp với trình độ cao, được thiết kế cho các môi trường có mật độ cao, hạn chế về điện năng tiêu thụ và không gian, nhưng đòi hỏi hiệu năng trên từng lõi xử lý. SoC thế hệ kế tiếp giúp khách hàng rút ngắn con đường đến 5G và mở rộng các giải pháp của Intel đến với tính toán biên thông minh.
Vì đây vẫn là kiến trúc Broadwell-DE, nên nó vẫn được sản xuất trên tiến trình 14nm, hỗ trợ PCIe 3.0, SATA III và DDR4-2400. Dưới đây là danh sách các bộ vi xử lý sẽ góp mặt trong gia đình Xeon D-1600 mới nhất của Intel.
Module bộ nhớ Intel Optane DC Persistent Memory
Bộ nhớ Optane của Intel đã được ra mắt, như một giải pháp lưu trữ với tốc độ truyền dữ liệu cao hơn nhiều so với SSD, nhưng cũng có giá bán không hề rẻ. Tuy nhiên, Intel còn một loại bộ nhớ Optane khác, đó là Optane DIMMs. Và hôm nay bộ nhớ Optane DIMMs này mới chính thức được ra mắt.
Tên gọi chính thức là Optane DC Persistent Memory (bộ nhớ Opatane duy trì liên tục), được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn DDR4-T, hỗ trợ bộ vi xử lý Cascade Lake với dung lượng lên đến 6TB cho hai socket. Đây là sự kết hợp giữa các dòng sản phẩm Intel Optane SSD và Intel QLC 3D NAND SSD, Intel đang giúp các doanh nghiệp tháo gỡ các nút thắt hạn chế sự lưu thông và chủ động trong việc xử lý dữ liệu.
Về cơ bản, bộ nhớ Optane này hoạt động giống như những thanh RAM, với tốc độ chậm hơn một chút, nhưng lại cung cấp dung lượng lưu trữ khổng lồ. Intel cung cấp 3 module Optane với các tùy chọn 128 GB, 256 GB và 512 GB. Sản phẩm cung cấp dung lượng bộ nhớ hệ thống lên tới 36TB khi kết hợp với DRAM truyền thống trong hệ thống máy chủ sử dụng 8 bộ vi xử lý.
Model Intel Optane SSD DC D4800X (cổng kép) kết hợp hiệu năng của Intel Optane DC SSDs với khả năng phục hồi dữ liệu theo yêu cầu của các ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng và có tính sẵn sàng cao của doanh nghiệp. Thiết kế cổng kép mang đến tính năng dự phòng cho đường truyền dữ liệu, giúp truy cập dữ liệu liên tục ngay cả trong trường hợp có sự cố hoặc khi cần bào trì và nâng cấp.
Trong khi Intel SSD D5-P4326 (Intel QLC 3D NAND) là sự bổ sung cho sản phẩm PCIe QLC NAND SSDs đầu tiên trên thị trường của Intel dành riêng cho trung tâm dữ liệu. Sử dụng công nghệ QLC 64 lớp (4 bit/cell), dòng sản phẩm này cung cấp dung lượng lớn với chi phí phải chăng phục vụ các tác vụ đọc dữ liệu trên đám mây. Với chi phí tối ưu, Intel SSD D5-P4326 đã sẵng sàng để thay thế ổ cứng truyền thống trong những thiết bị lưu trữ có tần suất truy cập cao.
Ngoài ra, Intel cũng giới thiệu Intel Agilex FPGAs – loại vi mạch Intel FPGA 10nm mới cung cấp khả năng tăng tốc phần cứng linh hoạt cho kỷ nguyên tập trung vào dữ liệu (data centric). Sản phẩm được tạo ra để thay đổi các ứng dụng trong điện toán biên, mạng (5G/NFV) và các trung tâm dữ liệu. Dòng sản phẩm Intel Agilex FPGA sẽ mang đến cho khách hàng khả năng tối ưu hóa và tùy biến cho các ứng dụng chuyên biệt nhằm mang lại các mức độ mới về sự linh hoạt và nhanh nhạy cho cơ sở hạ tầng nhiều dữ liệu.
Bên canh đó, Intel trình làng mạng Intel Ethernet 800 Series mang công nghệ Application Device Queues (ADQ). Intel Ethernet 800 series có tốc độ lên tới 100Gbps và với mục đích di chuyển lượng dữ liệu khổng lồ trong các phân khúc thị trường đám mây, truyền thông, lưu trữ và doanh nghiệp. ADQ tăng khả năng dự đoán thời gian đáp ứng của ứng dụng đồng thời giảm độ trễ và cải thiện thông lượng.
Các bộ vi xử lý Intel Xeon Scalable thế hệ 2, bộ vi xử lý Intel Xeon D-1600, Intel Optane DC Persistent Memory và Intel SSD D5-P4326 hiện nay đều có sẵn hàng cung ứng. Intel Ethernet 800 Series hiện đang trong giai đoạn thử mẫu, và có kế hoạch sản xuất vào quý 3 năm 2019. Dòng sản phẩm Intel Agilex FPGA 10nm mới sẽ bắt đầu ra mẫu vào nửa cuối năm 2019. Intel kỳ vọng các hệ thống sử dụng bộ vi xử lý Intel Xeon Platinum 9200 sẽ bắt đầu được bán ra vào nửa đầu năm 2019 và tăng tốc trong nửa cuối năm. Lịch cung ứng hàng của Intel Optane DC SSD D4800X sẽ được tiết lộ sau.
Theo Vnreview