Windows 10 được đánh giá cao về tính bảo mật.
Tidwell tuyên bố, bảo mật thông tin là ưu tiên hàng đầu của Microsoft khi xây dựng Windows 10. Sản phẩm được trang bị nhiều tính năng hỗ trợ tối đa chính phủ các nước trên môi trường Internet vốn ngày càng phức tạp.
Đầu tiên phải kể đến “tấm giáp” có tên Microsoft Passport. Dịch vụ này thực chất là phương thức xác thực 2 lớp, kết hợp giữa một thiết bị đã đăng ký và cách bảo mật truyền thống như mã PIN, vân tay, mống mắt hoặc nhận diện khuôn mặt.
Vì thế, những kẻ tấn công sẽ không dễ gì để xâm nhập tài khoản của nhân viên chính phủ dù chúng đã khai thác những thông tin kể trên. Vấn đề này vốn là “điểm đen” trong bảo mật bởi người dùng thường sử dụng một ID và mật khẩu cho nhiều dịch vụ khác nhau.
Windows 10 sử dụng phương thức bảo mật 2 lớp.
Trên Windows 10, Microsoft còn xây dựng tính năng Credential Guard có tác dụng tạo ra môi trường bảo mật riêng biệt. Nghĩa là chỉ những ứng dụng đã qua vòng kiểm tra và cấp phép của các cơ quan chính phủ mới được cài đặt trong đó, tạo thành một vòng tròn khép kín miễn nhiễm với mọi phần mềm độc hại.
Mã độc nếu có mặt trên máy tính sẽ rất khó tiếp cận thông tin bên trong Guard. Đây giống như chiếc két sắt chắc chắn tránh con mắt nhòm ngó của lũ trộm khi vào nhà.
Cuối cùng, chuyên gia Tidwell nhắc tới phần mềm với tên gọi khá quen thuộc, Windows Defender. Nhưng đây là phiên bản hoàn toàn mới có tác dụng dò quét phần mềm độc hại. Defender chạy nền trên Windows 10 và sẽ tự động tải bản cập nhật khi sẵn có.
“Khi số lượng và tần suất các cuộc tấn công ngày càng gia tăng, an ninh mạng đã trở thành trọng tâm chính trong hoạt động của các chính phủ trên thế giới. Vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia đã tăng cường bảo vệ thông tin nhưng các mối đe dọa vẫn luôn tiềm tàng. Windows 10 được thiết kế để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng về an ninh mạng”, Tidwell phát biểu.
Windows 10 đang có mức tăng trưởng khá.
Bài viết trên blog Microsoft xuất hiện chỉ vài ngày sau khi tờ Bloomberg công bố bản báo cáo nói rằng, chính phủ Putin tỏ ra lo ngại về mối đe dọa an ninh trên Windows. Nước này còn lên kế hoạch chuyển sang dùng nền tảng mã nguồn mở Linux.
Theo bản báo cáo, 22.000 cán bộ hành chính nước này đã chuẩn bị chuyển đổi. Lý do giới chức Nga đưa ra là vì lo ngại việc Microsoft có thể cung cấp thông tin người dùng cho chính phủ Hoa Kỳ, trong đó bao gồm cả những nội dung nhạy cảm.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên một quốc gia “bài trừ” hệ điều hành Windows. Trung Quốc cũng từng cấm sử dụng Windows 8 trong hệ thống máy tính của bộ máy công quyền hồi 2014. Thời điểm đó, Windows XP đang rất phổ biến tại đất nước tỷ dân, nhưng Microsoft đã ngừng hỗ trợ nền tảng này. Động thái của chính phủ Trung Quốc được cho là nhằm “đảm bảo an ninh máy tính” quốc gia.
Tidwell nói trên blog của Microsoft rằng, Windows 10 là hệ điều hành tốt nhất của công ty từ trước tới giờ. Tính đến tháng 1 năm 2016, phiên bản này đã vượt qua Windows XP, chiếm 11,85% thị phần hệ điều hành máy tính so với 11,42% của người tiền nhiệm. Tuy nhiên, nền tảng phổ biến nhất vẫn là Windows 7 với 52,47%.
Theo news.zing.vn