Tư vấn bán hàng
Trên những chiếc máy tính Mac, chúng ta thường thấy Apple đề cập đến cái tên ổ cứng “Fusion Drive” nằm trong thông số chiếc máy. Vậy Fusion Drive là gì? Nó có tốt hơn ổ cứng HDD hay SSD thông thường hay không?
Trên trang hỗ trợ của Apple, họ có mô tả chi tiết rằng: “Fusion Drive kết hợp giữa hiệu năng của bộ nhớ flash mà vẫn có dung lượng lớn như ổ cứng thông thường”. Như vậy, chúng ta có thể kết luận, đây là một loại ổ cứng lai, hay còn được gọi là SSHD mà chúng ta hay thấy trên những chiếc laptop của các nhà sản xuất còn lại.
Đúng như những gì Apple đã mô tả, SSHD là một dạng ổ cứng kết hợp giữa tốc độ và độ tin cậy của SSD với dung lượng lưu trữ lớn cùng như mức chi phí thấp của ổ cứng HDD thông thường. Để làm được điều này, nhà sản xuất phải tích hợp một bộ nhớ NAND flash có dung lượng chỉ vài GB trên bo mạch và nó sẽ được sử dụng để làm bộ nhớ cache cho những dữ liệu mà người dùng thường hay truy cập.
Ổ cứng SSHD này chỉ có 8GB NAND flash tích hợp bên trong
Thực tế, sự kết hợp này khá hiệu quả. Một khi đã quen dần với tần suất của người dùng, các ổ cứng này có thể đạt hiệu năng gần như tương đương với một vài SSD SATA tiêu chuẩn, hay ít nhất là có tốc độ truy xuất tốt hơn nhiều so với HDD truyền thống. Lẽ dĩ nhiên, Fusion Drive không nhanh bằng hoặc hơn tất cả các SSD trên thị trường.
Đây là một số so sánh giữa các ổ SSHD, HDD và SSD đời cũ:
Điểm PC Mark Vantage càng cao là càng tốt; điểm Ap Load, Boot càng thấp lại càng tốt
Về cơ bản, Apple cũng sử dụng điều này với những ổ cứng hợp nhất (Fusion Drive) của mình, tuy nhiên lại khác một chút: “nhà Táo” tích hợp dung lượng nhiều hơn cho bộ nhớ NAND flash nằm trong ổ đĩa, thường là 128GB hoặc là 256GB so với mức 8GB trên hầu hết các ổ cứng SSHD tiêu dùng thông thường.
Tuy nhiên, cũng giống như những ổ cứng HDD hay SSHD khác, Fusion Drive cũng chỉ xuất hiện một ổ đĩa đơn duy nhất cho người dùng trên mọi hệ điều hành chứ không phải là 2 ổ riêng biệt.
Tất nhiên, việc tăng dung lượng NAND flash trên ổ cứng cũng đồng nghĩa rằng bộ nhớ đệm cache bên trong sẽ lưu được nhiều file hơn hay những file lớn hơn. Điều này làm tăng hiệu năng đáng kể. Ngoài ra, Apple cũng sử dụng phần NAND flash này để làm bộ nhớ đệm buffer nhằm đảm bảo tốc độ cao khi ghi dữ liệu lên ổ cứng.
Theo Genk