Tư vấn bán hàng
Theo GS. Yann LeCun – Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, việc AI có thể đạt được trí tuệ tầm con người vẫn là một tương lai xa, bởi hiện tại, AI chưa có khả năng suy xét, lý luận.
Tại Tọa đàm “Triển khai AI trong Thực tế” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 diễn ra chiều 4/12 tại Hà Nội, GS. Yann LeCun, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho AI, đưa ra ý tưởng về cách phát triển AI trong tương lai với mục tiêu công cụ này thông minh như con người.
“AI vẫn chưa đạt được trí thông minh của một con mèo”
Phát ngôn này của GS. Yann LeCun xuất hiện lần đầu trong cuộc tranh cãi với tỷ phú Elon Musk để phản bác dự đoán của ông chủ Tesla, rằng AI có thể thông minh hơn con người trong 5 năm tới. Ông nhắc lại điều này một lần nữa tại tọa đàm “Triển khai AI trong thực tế” diễn ra chiều 4/12.
Theo GS. LeCun, trong vài năm tới, AI sẽ rất khác biệt, tốt hơn rất nhiều lần. Tuy nhiên, việc AI có thể đạt được trí tuệ tầm con người vẫn là một tương lai xa. Bởi hiện tại, AI chưa có khả năng suy xét, lý luận.
GS. LeCun dẫn chứng, các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới chỉ có khả năng đoán từ và hoàn toàn “bó tay” nếu phải đoán hình ảnh. Ví dụ, khi đưa một đoạn video và yêu cầu AI dự đoán hình ảnh tiếp theo, AI đã đưa ra các dự đoán sai hoàn toàn. Điều này xuất phát từ việc AI chưa có thế giới quan để hiểu cách sự vật, sự việc vận hành như thế nào.
Từ thực tế này, GS. LeCun và các cộng sự tại Meta đưa ra một ý tưởng về việc dạy cho AI về cách thế giới vận hành.
Cụ thể, cũng với đoạn video nói trên, thay vì bắt AI đoán hình ảnh tiếp theo dựa theo hình ảnh ban đầu được cung cấp thì dạy cho AI quan sát chuỗi hành động để tạo ra những hình ảnh đó. Chuỗi hành động này luôn có tính logic, phản ánh cách suy xét, lập luận dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm liên quan.
Theo GS. LeCun, như cách một đứa trẻ sơ sinh có khả năng nhận biết rất lớn về thế giới trong 2 tháng đầu đời chỉ bằng quan sát, nếu AI được dạy quan sát, nó cũng sẽ hình thành thế giới quan và đạt trí tuệ tầm con người.
Tuy nhiên, vị chuyên gia AI cũng trấn an khi nói về mối lo lắng thế hệ AI thông minh sẽ thay thế con người, thậm chí viễn cảnh về một thế giới do AI thống trị: “Không có gì phải lo lắng. Nếu AI thông minh tương đương con người thì đó là một điều rất tốt”.
“Bố già AI” lập luận, với kho tri thức hiện có của nhân loại, nếu một người dành 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày để đọc thì họ mất hàng nghìn năm mới đọc hết. Nhưng nếu có AI, họ có một trợ lý tuyệt vời giúp họ sử dụng hiệu quả kho tri thức này mà không phải dành cả cuộc đời để đọc.
Rào cản của AI chính là… con người
Các diễn giả tham gia tọa đàm do Quỹ VinFuture tổ chức đều chung quan điểm rằng, việc phát triển AI trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều thách thức, trở ngại. Trong đó trở ngại lớn nhất là con người.
“Một bên nhìn thấy rất nhiều ưu điểm của AI. Một bên lo ngại: “Liệu mấy năm nữa tôi có bị AI thay thế không?”. Vấn đề của những người nghiên cứu AI như chúng ta là có rất nhiều ý kiến trái chiều và phải xem trường phái nào sẽ thắng thế”, GS. LeCun hài hước nói.
GS. Đỗ Ngọc Minh – Đại học Illinois tại Urbana-Champaign (UIUC, Hoa Kỳ) và Trường Đại học VinUni (Việt Nam) cho rằng, dù có tranh cãi ra sao thì một thực tế không thể phủ nhận là AI ngày càng tham gia sâu vào lĩnh vực y tế và giáo dục, tạo ra các kết quả đột phá, mang lại lợi ích lớn cho con người.
GS. Minh dẫn chứng việc nhờ có AI mà các phòng thí nghiệm y khoa có thể nghiên cứu tế bào ung thư trong một hệ thống mang tính công nghiệp.
Mẫu tế bào ung thư lấy từ cơ thể người bệnh được nuôi cấy trong môi trường 3D, có thể dễ dàng quan sát, theo dõi và dễ dàng nuôi cấy cùng lúc hàng ngàn mẫu. Từ đó, các bác sĩ có thể phân tích và dự đoán các hướng phát triển của khối u và đưa ra quyết định điều trị tốt hơn cho người bệnh.
Một dẫn chứng khác là dùng AI trong phục hồi chức năng. Đó là phương pháp lập mô hình hệ cơ xương khớp người bệnh để quan sát cách hệ thống này hoạt động trên máy. Với những bệnh nhân sau đột quỵ hay sau phẫu thuật, khi bác sĩ quan sát được cách cơ xương khớp vận động sau chấn thương thì họ sẽ giúp bệnh nhận phục hồi chức năng hiệu quả hơn.
TS. Bùi Hải Hưng – Tổng giám đốc VinAI, Việt Nam, đề cập đến một thách thức khác là quyền riêng tư. Một trong những rào cản tâm lý người dùng là nỗi lo bị mất thông tin cá nhân. Do đó, việc phát triển AI cần song hành với phát triển kỹ thuật bảo vệ quyền riêng tư.
Đây cũng là cách mà VinAI đang làm. Nhóm nghiên cứu của TS. Hưng đang phát triển một ứng dụng có tên MiE, có chức năng “lưu trữ kí ức” người dùng. Ứng dụng này được cài đặt trên điện thoại với tác dụng tìm kiếm bất kỳ hình ảnh, văn bản, email hay đường link nào mà chủ sở hữu từng tìm kiếm và diễn giải nó thành thông tin có ý nghĩa. Nhờ đó, chủ sở hữu chiếc điện thoại không mất thời gian lục tìm thủ công trong các ổ dữ liệu đã quá tải mà chỉ cần kích hoạt “kí ức nhân tạo”.
Đáng chú ý, MiE không xuất “kí ức” ra khỏi chiếc điện thoại, đảm bảo tất cả luôn nằm trên một thiết bị duy nhất.
Trước câu hỏi đến thời điểm nào thì AI có thể hành động thay con người, GS. Leslie Gabriel Valiant, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), “cha đẻ” của lý thuyết học máy cho rằng, không nên vội vàng cho AI hành động, bao gồm những hành động dường như giản đơn như vận hành máy hay lái xe.
“Chỉ nên dùng AI như một ứng dụng trung gian giúp con người làm tốt hơn việc họ đang làm. AI làm tăng năng lực của chúng ta trong các lĩnh vực khác nhau và đó mới là mục đích quan trọng nhất”, GS. Leslie nói.
Nguồn: VietNamnet