Tư vấn bán hàng
Trong năm 2019, Việt Nam có 85,2 triệu lượt máy tính nhiễm mã độc, gây thiệt hại 20.892 tỷ đồng.
Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng của Bkav, tình hình an toàn thông tin tại Việt Nam trong năm 2019 có nhiều biến chuyển tích cực, tuy nhiên, số trường hợp nhiễm mã độc, bị virus tấn công vẫn còn nhiều, gây thiệt hại trên quy mô lớn. Số lượt máy tính nhiễm mã độc trong năm 2019 tăng 3,5% so với năm 2018. Thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt cũng tăng từ 14.900 tỷ đồng năm 2018 lên 20.892 tỷ đồng năm 2019.
Năm 2019, người Việt thiệt hại gần 1 tỷ USD vì virus máy tính
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc virus máy tính lây lan tại Việt Nam là thói quen tải phần mềm trên mạng. Theo báo cáo từ Bkav, cứ 10 máy tính tải các phần mềm từ Internet về cài đặt thì có 8 máy nhiễm virus. Ngoài ra, email cũng là những con đường lây lan khi số trường hợp nhiễm virus qua thư điện tử tăng 4% so với năm trước, trong khi tỷ lệ lây nhiễm qua đường USB đã giảm 22% trong năm 2019, xuống mức 55%.
Hiện vẫn còn 41,04% máy tính chứa lỗ hổng SMB, từng bị virus Wanna Cry khai thác. Ransomware cũng khiến 1,8 triệu lượt máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018. Trong số này có rất nhiều máy chủ chứa dữ liệu của các cơ quan, doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động của các đơn vị này trong nhiều ngày.
Đã có một chiến dịch quy mô lớn của hacker nước ngoài tấn công vào các máy chủ có mật khẩu yếu tại Việt Nam trong năm 2019. Không lây nhiễm mã độc, hacker còn dò tìm các server có mật khẩu yếu, từ đó, thực hiện truy cập trái phép từ xa nhằm cài mã độc mã hóa dữ liệu. Kiểu tấn công này khiến phần mềm diệt virus sẽ bị vô hiệu hóa do hacker đã chiếm được toàn quyền điều khiển máy chủ.
Theo tổng kết của Bkav, 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT có tên W32.Fileless. “Kỹ thuật mà W32.Fileless sử dụng rất tinh vi và có thể nói đã đạt đến mức “tàng hình”. Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường. Mã độc này phát tán thông qua USB hay qua khai thác lỗ hổng hệ điều hành”, Bkav cho biết.
Các cuộc tấn công có chủ đích (APT) nhằm vào hàng trăm nghìn máy tính tại Việt Nam năm 2019
Để tăng cường khả năng bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng, Bkav khuyên người dùng nên thực hiện các biện pháp, như chỉ tải phần mềm có nguồn gốc rõ ràng, quét virus cho USB trước khi sử dụng, mở các file nhận được từ Internet trong môi trường cách ly an toàn, thường xuyên cập nhật bản vá lỗ hổng, đặt mật khẩu mạnh cho máy tính.
Theo Vnexpress