Tư vấn bán hàng
Nhóm R&D của Microsoft chắc chắn đang cố gắng rất nhiều để hoàn thiện bản lề của Duo và Neo, nhưng có vẻ như họ muốn làm nhiều thứ hấp dẫn hơn chứ không chỉ dừng lại ở những thiết bị với hai màn hình được kết nối vật lý đơn thuần với nhau.
Một bằng sáng chế vừa được công bố gần đây đã cho thấy ý tưởng sử dụng bản lề từ tính trên phần cứng của Microsoft. Bằng sáng chế này thể hiện các phương thức để gắn nhiều phần của một thiết bị phần cứng – như hai màn hình, hoặc một màn hình và một bàn phím gập được – thông qua các bản lề từ tính.
Cụ thể, Microsoft muốn trong tương lai, hai chiếc tablet Surface sẽ có thể được kết nối lại với nhau để tạo nên một thiết bị mới giống Surface Neo, vừa hoạt động như một chiếc laptop, vừa như một cuốn sách điện tử có hai trang.
Điều mới mẻ trong bằng sáng chế này là nó không có cấu trúc bản lề vĩnh viễn để giữ hai màn hình lại cùng nhau như Surface Neo. Hai màn hình sẽ được ghép nối với nhau thông qua một hệ thống từ tính.
Phương thức mới này không chỉ cho phép hai tablet/màn hình kết hợp với nhau để tạo nên một thiết bị dạng sách mà chúng ta từng thấy trên Surface Duo và Surface Neo, nó còn cho phép một loạt các linh kiện khác kết nối đến phần cứng mà không cần thông qua nhiều công đoạn phức tạp (có thể sẽ sử dụng giao tiếp không dây giữa các thành phần liên kết với nhau)
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft nghĩ ra một phương thức mới để kết nối các thiết bị ngoại vi với phần cứng của mình – bất kỳ ai đang sử dụng cover bàn phím của Surface hẳn đều đã biết tính hữu dụng của việc có thể dễ dàng tháo/lắp các thiết bị như vậy.
Và đây cũng không phải lần đầu tiên Microsoft đăng ký bằng sáng chế sử dụng từ tính để thay thế các công nghệ xưa cũ. Năm ngoái, họ đã đăng ký bằng sáng chế “Electronic Device with a Magnetically Attached Electronic Component” (Thiết bị Điện tử với Linh kiện Điện tử Kết nối Từ tính), trong đó nói về việc sử dụng nam châm thay cho ốc vít khi lắp ráp phần cứng.
Chiếc Surface Laptop 3 và Surface Pro X năm 2019 đã được thiết kế với các linh kiện quan trọng (như màn hình hay bàn phím) có thể được sửa chữa nhanh chóng và dễ dàng bởi các trung tâm sửa chữa bên thứ ba, cũng như các khách hàng thuộc nhóm doanh nghiệp lớn. Dù nam châm không được sử dụng trong các thiết kế này, nhưng ý tưởng sử dụng nó vào lắp ráp thiết bị cho thấy Microsoft rõ ràng mong muốn đẩy nhanh hơn nữa tốc độ sản xuất và sửa chữa – suy cho cùng, nạy một khớp nối từ tính sẽ nhanh hơn nhiều so với xoay từng con ốc trên bo mạch.
Bạn cần biết rằng, không có gì đảm bảo công nghệ được miêu tả trong một bằng sáng chế sẽ xuất hiện trên các phần cứng sản xuất đại trà và bán ra thị trường. Nhưng chúng phần nào tiết lộ được đường hướng và suy nghĩ của một công ty. Kết nối các linh kiện, màn hình, và giúp thiết bị dễ dàng sửa chữa hơn – tất cả đều là một phần trong những kế hoạch mà Microsoft đặt ra cho dòng sản phẩm Surface trong tương lai.