Tư vấn bán hàng
Có một vấn đề luôn khiến người dùng máy tính quan tâm đó là dung lượng RAM bao nhiêu là đủ để máy luôn hoạt động “trơn tru”?
Random Access Memory, viết tắt là RAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên) là một trong những thành phần quan trọng nhất của bất kỳ máy tính nào. Nhưng dung lượng RAM bao nhiêu là đủ? Trong khi các máy tính mới luôn có xu hướng tăng dung lượng RAM lên từ 2 GB đến 16 GB hay thậm chí là hơn nữa, vậy làm cách nào để chọn RAM cho phù hợp?
Việc lựa chọn dung lượng RAM về cơ bản phụ thuộc vào 2 yếu tố là bạn muốn sử dụng máy tính để làm gì? (lướt web, xem phim hay sử dụng chơi game, thiết kế đồ họa…) và bạn có khả năng chi tiêu bao nhiêu? Bài viết này sẽ tập trung trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc lựa chọn RAM trên máy tính chạy các hệ điều hành thông dụng hiện nay như Windows, Mac OS X, Linux, hoặc Chrome OS.
Một số thông tin về RAM
Bộ nhớ RAM đôi khi bị nhầm lẫn với các bộ nhớ lưu trữ dài hạn như HDD hay SSD (bộ nhớ trạng thái rắn) và thỉnh thoảng các nhà sản xuất hay các nhà bán lẻ cũng cố tình “nhập nhằng” giữa các bộ nhớ này khi giới thiệu sản phẩm. Hãy tưởng tượng RAM là phần trên cùng của bàn làm việc nơi bạn đang để các giấy tờ đang cần phải giải quyết (các giấy tờ này có thể được xử lí cùng một lúc). Trong khi đó, ổ đĩa cứng có thể hiểu là các ngăn kéo dưới bàn làm việc nơi có thể lưu trữ mọi thứ của bạn như các dụng cụ, các tài liệu bạn chưa muốn sử dụng đến…
Việc trang bị dung lượng RAM càng lớn sẽ khiến máy có thể xử lí đồng thời nhiều chương trình cùng một lúc. Nhưng RAM không phải là yếu tố quyết định tất cả đến việc này, có hàng chục kỹ thuật giúp mở nhiều ứng dụng cùng một lúc trong khi máy trang bị dung lượng RAM hạn chế nhưng vấn đề là việc này sẽ làm máy hoạt động chậm hơn bình thường. Ví dụ, khi duyệt web, việc mở quá nhiều tab khiến RAM phải chia ra xử lí nhiều tác vụ hơn và đó là nguyên nhân làm bạn cảm thấy máy và trình duyệt hoạt động chậm hơn bình thường.
Vậy thì tôi sẽ nâng cấp RAM? Máy tính với dung lượng RAM nhiều hơn sẽ xử lí nhanh hơn? Điều này không chính xác, nâng cấp dung lượng RAM cũng giống như mở rộng kích thước mặt bàn, nó chỉ giúp cho máy bạn có khả năng xử lí cùng một lúc nhiều công việc hơn chứ ít có ý nghĩa trong việc tăng tốc hoạt động. Chỉ có một bộ vi xử lí nhanh hơn mới thật sự làm máy bạn hoạt động nhanh hơn mà thôi.
Và cũng không nên lầm lẫn bộ nhớ RAM tiêu chuẩn với bộ nhớ video thường được tích hợp với card video của máy tính.
Những ứng dụng chiếm RAM nhiều nhất
Thủ phạm của việc ngốn quá nhiều dung lượng RAM của máy tính thường là các hệ điều hành và các trình duyệt web. Việc có nhiều RAM hơn trên máy tính có nghĩa là bạn có thể mở nhiều tab hơn khi duyệt web với các trình duyệt như Chrome, Firefox, Internet Explorer… Ngoài ra, một số trang web cũng chiếm dụng bộ nhớ RAM nhiều hơn số khác. Ví dụ, một bản tin đơn giản chỉ với phần text sẽ ít tốn RAM xử lí hơn so với các trang web có nhiều video, hình ảnh.
Bên cạnh đó, các ứng dụng ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều RAM hơn do có nhiều tính năng phức tạp hơn. Một chương trình trò chuyện hoặc một trò chơi đơn giản như Minesweeper hầu như không làm tiêu tốn lượng RAM đáng kể nào, ngược lại, một bảng tính Excel với số liệu khổng lồ hoặc một dự án đồ họa đồ sộ được thực hiện bằng các ứng dụng hạng nặng như Photoshop có thể “ngốn” hơn 1GB RAM cho hoạt động của chính nó. Các game 3D hiện đại cũng sử dụng khá nhiều RAM, có khi lên đến vài GB.
Điều đó có nghĩa là nhu cầu RAM hoàn toàn phụ thuộc vào các ứng dụng mà bạn sử dụng. Vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ xem bạn muốn sử dụng các chương trình nào trước khi chọn máy tính với dung lượng RAM cho phù hợp.
Chọn RAM cho máy tính bảng
Hầu hết các máy tính bảng chạy Windows sẽ được trang bị RAM từ 2GB đến 4GB. Tuy nhiên, điều này chỉ đủ cho các nhu cầu cơ bản như mở một vài tab trên trình duyệt, duyệt mail và xem một đoạn video vào cùng một thời điểm nhưng nếu bạn có ý định chạy đa nhiệm với các ứng dụng nặng thì có thể bạn sẽ rất “bực bội” do máy dễ bị treo hay chạy “ì ạch”. Vì vậy, nếu chỉ có nhu cầu sử dụng với các công việc cơ bản thì 2 GB đến 4 GB RAM là vừa đủ cho những chiếc tablet Windows.
Một vài model tablet cao cấp hơn chạy Windows và sử dụng chip từ Core i3 trở lên như loạt Surface Pro của Microsoft có RAM đến 8GB. Nếu muốn sử dụng tablet thường xuyên cho công việc thì việc nâng cấp RAM bằng cách lựa chọn các thiết bị đắt tiền này là cần thiết.
Chọn RAM cho laptop
Ngày nay, những chiếc laptop được bán ra thường trang bị RAM tối thiểu là 2 GB (đặc biệt là những laptop giá rẻ hoặc Chromebook), một số máy có thể có RAM đến 8GB. Cá biệt, một số dòng laptop chuyên phục vụ cho dân “cày game” hoặc đồ họa có RAM từ 12GB đến 16GB. Mức RAM tối thiểu (2GB) chỉ phù hợp cho các công việc như duyệt web, email, xem video hay chơi một số game nhẹ (casual game).
RAM 4GB là mức RAM mà một chiếc laptop Windows hay OS X có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của phần lớn người dùng hiện nay. Nếu bạn có ý định chạy hàng chục tab cùng một lúc khi duyệt web, hay có kế hoạch làm việc với các ứng dụng nặng như chỉnh sửa ảnh chất lượng cao thì hãy cân nhắc trang bị laptop có RAM từ 8GB trở lên.
Việc nâng cấp RAM từ 4GB lên 8GB có thể tốn khoảng 100 USD, nhưng sẽ tốn kém hơn nếu bạn muốn đồng bộ với một bộ vi xử lí nhanh hơn hoặc bộ lưu trữ lớn hơn. Với 12GB RAM hoặc nhiều hơn là quá lí tưởng nếu bạn muốn chọn một chiếc laptop có thể thay thế máy tính để bàn, thường thì đây là những model cao cấp nhất của các hãng máy tính.
Chọn RAM cho máy tính để bàn
Một máy tính để bàn cơ bản hiện nay thường được bán ra với 2GB đến 4GB RAM. Việc nâng cấp RAM cho máy tính để bàn cũng đơn giản và ít tốn kém hơn so với laptop và tablet. Khoảng 8GB RAM là khá tốt cho một chiếc máy tính để bàn với hầu hết các công việc thông thường.
Một số máy tính bàn được bán ra với RAM 64GB hoặc nhiều hơn, đây là những dòng máy cao cấp và thường là dành cho các game thủ. Thông thường, ít người dùng nào khai thác hết công suất của 16GB RAM trên một chiếc máy tính để bàn trừ khi bạn đang có ý định xử lí các video 4K, sử dụng các phần mềm video, ảnh 3D…
Tóm lại, 2GB RAM được coi là con số tối thiểu hiện nay và chỉ phù hợp với các máy tính bảng, máy tính xách tay cấp thấp, Chromebook để đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của người dùng. 4GB là tối thiểu cho các máy tính sử dụng Windows hay OS X, 8GB RAM sẽ đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dùng và vượt hơn con số này thường là để đáp ứng một số đam mê của người dùng như chơi game 3D hay làm đồ họa, kế toán với các bảng tính có số liệu lớn…