Tư vấn bán hàng
Đúng như title của bài viết, mức giá của chuột chơi game đã gần đạt tới ngưỡng “không thể tin nổi”. Dự kiến bán ra với giá không dưới 3,6 triệu đồng tại thị trường Việt Nam, Logitech G900 Chaos Spectrum đã sẵn sàng thiết lập một kỷ lục mới, khi trở thành chuột chơi game không dây giá cao nhất từ trước tới nay.
Nếu như hầu hết các bài đánh giá chuột gaming, tôi thường dạo qua vẻ bề ngoài, thông số kỹ thuật và một chút trải nghiệm người dùng, sau đó mới khéo léo nhắc tới giá bán của sản phẩm đó ở cuối bài viết. Nhưng khác đi một chút, hãy cùng bàn thảo qua về mức giá của món gaming gear cao cấp này trước, sau đó sẽ tìm hiểu xem mức giá đó mang lại cho bạn những sự đặc biệt gì?
Một số công nghệ nổi bật được in ở mặt sau hộp.
Trước hết, trong khoảng giá 3,5 – 4 triệu đồng, chắc các bạn chưa thể quên một ứng cử viên khác là Roccat Nyth. Đại diện tới từ nước Đức có giá thành hơi cao hơn một chút, tuy nhiên là lại “wired gaming mouse”, tức chuột có dây. Xét tới khía cạnh không dây, mức giá 3,6 triệu đồng của G900 là chưa một đối thủ nào có thể vượt qua.
Thiết kế của G900 Chaos Spectrum nhìn từ 2 cạnh.
Bám ngay sau G900 của Logitech có thể điểm qua 2 cái tên vô cùng quen thuộc mang thương hiệu Razer và SteelSeries, lần lượt là Mamba 5G (3,5 triệu đồng) và Sensei Wireless (3 triệu đồng). Hiện tại giá bán chính thức của Logitech G900 tại Việt Nam vẫn còn là một ẩn số, nhưng so sánh với mức giá bán lẻ tại một số thị trường Châu Âu hay Bắc Mỹ vào khoảng 180 USD, giá 3,6 triệu đồng tại Việt Nam có lẽ là điều mà hầu hết người dùng đang mong đợi.
Xét cho cùng, các mẫu chuột gaming wireless giá hơn 3 triệu đồng là không hề hiếm, vấn đề sau cùng vẫn là số tiền đó mang lại được cho bạn những trải nghiệm đáng giá nào.
Trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ tới bạn đọc về hình ảnh, thông số, tính năng cũng như cảm nhận cá nhân về sản phẩm, thay vì so sánh với các đối thủ khác cùng phân khúc, bởi trong trường hợp này, tư duy phát triển sản phẩm của các thương hiệu là hoàn toàn khác nhau, mọi sự so sánh đều là khập khiễng.
Một sản phẩm chuột gaming tốt, luôn cần tới các yếu tố bao gồm cảm biến chính xác, các nút bấm nhạy và bền bỉ, cảm giác tay thoải mái, ngoại hình bắt mắt và cuối cùng riêng với chuột không dây, cần thêm 2 thành phần mở rộng là tín hiệu truyền tải nhanh cũng như thời lượng pin tốt.
1. Cảm biến
Sensor, hay cảm biến của chuột máy tính là một trong những thứ tối quan trọng quyết định đó có phải một thiết bị tốt hay không. Với chuột chơi game, nó còn quan trọng hơn thế.
Ở cấp độ chuyên nghiệp, khi kỹ năng và tốc độ của người chơi gần như ngang bằng nhau, một con chuột với cảm biến nhanh và chính xác đôi khi sẽ tạo ra được sự khác biệt.
Trong trường hợp này, Logitech G900 Chaos Spectrum được trang bị sensor Pixart PMW3366, có thể coi là bộ cảm biến cao cấp nhất ở thời điểm hiện tại về độ chính xác. Không nói xuông, trên diễn đàn Overclock, một chủ đề bàn luận về các cảm biến chuột hồi năm 2015 thu thấp ý kiến người dùng về chất lượng của các mã sensor cao cấp mang lại kết quả đáng kinh ngạc, khi PMW3366 vượt qua 12 đối thủ khác và về nhất chiếm tới 42% số phiếu bầu.
Dường như chỉ có Logitech là đang sử dụng loại sensor cao cấp này. Nó không có một tốc độ ấn tượng nằm ở thông số DPI (chỉ là 12000 so với 16000DPI trên Mamba 5G), mà điểm ăn tiền nhất của Sensor này tới từ cách nó hoạt động.
Mặt dưới chuột, có tới 6 feet khác nhau cùng công tắc tắt bật.
Một số chuyên gia mô tả rằng, “Nó bỏ qua các chuyển độ nhỏ, chỉ di chuyển khi đạt tới một ngưỡng nhất định. Nói cách khác, PMW3366 sẽ loại bỏ các rung động không may từ tay người dùng, và nhận biết được các lệnh chuyển động thực tế”. Nhờ vậy, độ chính xác mà cảm biến này mang lại là vô cùng kinh ngạc.
Cảm biến cao cấp tới vậy có xứng đáng với số tiền mà bạn bỏ ra dành cho Logitech G900 Chaos Spectrum?
2. Nút bấm
Nói tới nút bấm trên chuột của Logitech, nếu ai từng dùng qua mã G303 chắc chắn sẽ hiểu nó tuyệt tới mức nào. Dĩ nhiên, G900 làm tốt hơn những gì tiền bối của nó từng làm được.
Cá nhân tôi cảm thấy tất cả các nút bấm trên G900 Chaos Spectrum đều rất ấn tượng, bao gồm 2 nút bấm chính, 4 nút bấm phụ ở 2 bên, cũng như các nút ở con cuộn và chức năng khác. Thật sự, thật khó để khách quan khi miêu tả cảm giác bấm các nút bằng câu chữ, một lời khuyên cho bạn đọc là hãy tới ngay nhà cửa hàng Smartek hoặc NPP Mai Hoàng để trải nghiệm thử sản phẩm này trước ngày bán ra chính thức.
Không chỉ dừng lại ở cảm giác bấm, hệ thống các nút trên Logitech G900 cũng khiến người dùng khá ấn tượng. Thứ nhất, chính là khả năng thay đổi chế độ của con cuộn, thứ đã từng có mặt trên các mẫu chuột thuộc dòng G của Logitech. Chỉ với một nút bấm, con cuộn sẽ xoay tít như không hề có một cái khấc nào ngăn cản nó. Hãy xem ảnh động dưới đây để hiểu thêm về chức năng này
So sánh với cảm giác của phím cuộn trên G502, G900 Chaos Spectrum nhẹ hơn 1 chút.
Một điểm đặc biệt thứ 2, chính là khả năng thay thế các nút phụ ở cạnh bên. Có vẻ đây đang trở thành xu hướng mới trên các sản phẩm chuột gaming trung và cao cấp, mà rõ nét nhất chính là Roccat Nyth cùng tầm giá. Tuy vậy, trên G900, bạn không có nhiều lựa chọn thay thế các nút bấm này. Thực chất phần nút phụ có thể thay thế này còn đóng vai trò khác liên quan tới thiết kế vừa tay tất cả người dùng mà Logitech mong muốn.
3. Cảm giác tay
Logitech G900 là một sản phẩm “thẳng tuột”, tức nó không thiên người dùng tay phải hay trái. Và khả năng thay thế các nút bấm ở 2 bên sẽ giúp tay bạn thoải mái hơn khi cầm và sử dụng. Dù kích thước của G900 không hề lớn, nhỏ hơn tương đối so với G502.
Phần lưng chuột với logo thuơng hiệu Logitech có thể đổi màu LED.
G900 khá dài, ngay cả một người có khổ bàn tay lớn như tôi cũng cảm thấy “hơi đuối” khi cầm kiểu palm grip. Ngón tay khi sử dụng vẫn có cảm giác hơi phải với lên và phần nào lọt thỏm một chút.
Tuy vậy, vậy một số người dùng quen với kiểu cầm claw grip lại rất ưng dáng của G900 bởi phần lưng của chuột mang lại cảm giác tựa cho lòng bàn tay khá tốt.
4. Thời lương pin và tốc độ truyền tải không dây
Có lẽ với những ai sử dụng chuột không dây để chơi game thì tốc độ truyền tải tín hiệu là một nỗi lo khá lớn. Nhưng điều đó chỉ xảy ra nếu đó là chuột không dây giá rẻ hoặc đời cũ, còn với các thiết bị cao cấp như Logitech G900 hay Razer Mamba 5G điều đó chắc chắn không xảy ra trong điều kiện sử dụng thông thường.
Bản thân các thiết bị này đều được trang bị các bộ nhận tín hiệu có khả năng chống nhiễu sóng cũng như mang lại tốc độ truyền tải cực nhanh. Chủ quan trong quá trình tôi sử dụng chưa bao giờ cảm thấy tốc độ phản hồi của chuột có vấn đề, ngay cả khi chơi các game yêu cầu tốc độ xử lý nhanh như CS:GO hay Dota 2.
Vấn đề tiếp theo chính là thời lượng pin của chuột. Một số bài test thực tế của tôi cho thấy chuột có thể sử dụng tới 32 giờ đồng hồ ngay cả khi bật đèn LED thông thường, khi đèn LED breathing, con số này là 34 giờ đồng hồ trong 1 lần sạc đầy. Để tiết kiệm pin, sau 30 phút không sử dụng, chuột sẽ tự động tắt.
5. Các phụ kiện kèm theo
Đáng lẽ đây là điều cần nói đầu tiên trong mỗi bài viết đánh giá gaming gear, nhưng lần này tôi quyết định đưa nó xuống cuối cùng, bởi không quá quan trọng.
Bộ receiver và các nút bấm phụ có thể thay thế.
Theo kèm với G900 Chaos Spectrum là một dây cáp kết nối, một receiver, và bộ nút bấm ở hông thay thế. Dây cáp kết nối có thể sử dụng để biến G900 thành một chuột có dây thông thường, đồng thời cũng là dây sạc.
Cùng với đó, phần receiver cùng với một phụ kiện nhỏ giúp để bạn có thể nhanh chóng đổi từ chế độ sử dụng không dây sang có dây khi kết hợp với cáp nối dài kia.
6. Phần mềm
Giống như các sản phẩm gaming khác, G900 sẽ được quản lý bên trong phần mềm Logitech Gaming Software.
Tại đây, bạn có thể quản lý tốc độ, chế độ và các nút bấm tắt cho chuột của mình. Tất nhiên là cả các chế độ và màu LED nữa.
Ngoài ra, LGS cũng thể hiện được lượng pin còn lại của chuột, để bạn có thể cân đối việc sạc trước khi chơi để tránh trường hợp lỡ dở trận đấu vì lý do hết pin.
Đó là những điểm nổi bật mà một sản phẩm chuột gaming giá 3,6 triệu đồng mang lại. Mức giá này không dành cho tất cả mọi người, nó hướng tới người dùng cao cấp nhờ các sản phẩm tính năng cao cấp.
Xu hướng hiện tại của thế giới công nghệ là “wireless”, bởi vậy người dùng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn cho các sản phẩm gaming gear không dây.
Phạm Hà
Theo Genk