Larry Page được biết đến là người của những ý tưởng điên rồ với niềm tin trong tương lai máy tính sẽ tự lập trình lịch đi chơi, điều khiển xe, đoán biết suy nghĩ của chủ nhân và điều đó đang dần thành sự thực qua những dự án mà Google theo đuổi.
Đầu tiên chúng ta phải kể đến dự án xe không người lái. Page tin đây là tương lai của giao thông. Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản. Ông cho rằng dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người. Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Từ khi thành lập công ty năm 1998, ông đã cùng Sergey Brin lên kế hoạch lâu dài cho các dự án táo bạo và ông cũng là người đưa ra các ý tưởng điên rồ nhất. Một vài trong số đó đã thành hiện thực, như việc quét mọi cuốn sách in để tạo ra thư viện số lớn nhất thế giới, hay chụp từng mét những con đường để tạo ra “phiên bản ảo” của thế giới thực (dự án bản đồ số), hay xây dựng công cụ có thể dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
Có thể thấy được những ý tưởng lạ lùng và lối quản lý thực dụng của ông khi thôi thúc đội ngũ kỹ sư và điều hành theo đuổi những giấc mơ lớn và tạo ra một công ty đạt doanh thu 38 tỷ USD (năm 2011) với 53.000 nhân viên tài năng.
Khi Page tiếp quản chức CEO vào tháng 4/2011, cỗ máy tìm kiếm đột phá của họ bắt đầu có dấu hiệu “già cỗi” và tư tưởng quan liêu cũng bắt đầu hình thành. Page nhanh chóng cải tổ công ty, khiến ban lãnh đạo gánh thêm nhiều tránh nhiệm và hướng Google tập trung vào một số mảng sản phẩm trọng điểm. Ông sẵn sàng khai tử cả chục dự án không cần thiết hoặc không thành công như Google Health. Quyết định sáp nhập Android đã là một chiến thắng, nhưng quan trọng hơn, dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã thăng hoa, làm câm lặng mọi chỉ trích và nghi ngờ trước đó.
Page từ lâu vẫn nói mối đe dọa lớn nhất mà Google phải đối mặt chính là Google và từ khi trở thành Tổng giám đốc, ông đã cố gắng đầy lùi sự quan liêu hay bất cứ thứ gì làm chậm sự đổi mới. Ông cũng tính toán và đưa ra các quyết định rất nhanh chóng. Trên một chuyến bay, ông gọi quản lý Nikesh Arora ra gần cửa sổ. Họ đang bay qua Nevada và Page chỉ tay xuống sa mạc nơi lễ hội Burning Man diễn ra hàng năm, nói rằng Google cần cải tiến hình ảnh bản đồ bằng cách triển khai các máy bay tầm thấp ở Mỹ. Vừa nói, ông vừa nhẩm tính các chi phí đầu tư. Hiện Google Earth đã có bản đồ 3D ở nhiều thành phố nhờ ảnh chụp từ trực thăng và máy bay. “Ông ấy luôn hướng mọi người tới những cách nghĩ khác biệt”, Arora cho hay.
Thực sự, Page đã có suy nghĩ khác biệt từ khi còn trẻ. Terry Winograd, cố vấn học thuật của Page, kể lại. “Làm sao có thể tin một sinh viên lại thực hiện được điều đó”. Và Page đã làm điều như thế khi cùng với Brin xây dựng Google. Với các nhà đầu tư và cả thế giới, ông vẫn là một bí ẩn “Thật khó nhận xét chính xác về ông bởi chúng tôi chẳng có cách nào tiếp cận được”.
Đương nhiên, các nhà đầu tư có quyền lo lắng bởi Page vẫn không mấy khi đưa ra lý do thuyết phục rằng một số dự án của ông là hợp lý. Chẳng hạn, Page nói Google+ rất thành công, nhưng các nhà phân tích lại chỉ thấy đây là mảnh đất hoang. Hay nhiều người vẫn đang cố lý giải Motorola Mobility sẽ giúp ích gì cho hệ sinh thái Android.
Page trở thành CEO của Alphabet vào năm 2015, khi Google được tái cấu trúc để thành lập công ty mẹ mới nhằm giám sát Other Bets – có hoạt động ngoài công cụ tìm kiếm và mảng kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số.
Và mới đây, CEO của Alphabet – Larry Page, cho biết ông sẽ từ chức. Theo đó, CEO của Google Sundar Pichai sẽ thay thế vị trí trên, đảm nhận song song với chức vụ hiện tại
Nhìn lại cả hành trình sự nghiệp của Page, ông đã dành tâm huyết và nỗ lực đáng kinh ngạc để gây dựng lên một Google đỉnh cao và thành công ngoaì sức mong đợi. Và Page vẫn luôn là một ẩn số. Và hẳn khi bước ra khỏi con đường mang tên Google, ông sẽ còn tiếp tục khiến mọi người ngạc nhiên và ngưỡng mộ.
Theo Genk