Tư vấn bán hàng
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người bán hàng online, hacker đã lừa đảo số tiền lên tới 150 triệu đồng.
Ngày 25/3, bà K. Huyền, chủ shop hoa online tại đường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng bị một tài khoản Facebook lừa đảo số tiền 150 triệu đồng.
“Người này là khách quen thường đặt mua hoa lan của tôi. Họ mua một đơn hàng hoa với giá 3,2 triệu đồng. Ở bước chuyển tiền, người này nói đang ở Mỹ và chuyển khoản qua Western Union, yêu cầu tôi làm theo hướng dẫn để nhận tiền,” bà Huyền kể lại.
Bằng một số thủ đoạn, kẻ gian đã lừa người dùng chuyển tiền 3 lần với tổng giá trị 150 triệu đồng.
Người này gửi cho bà Huyền một liên kết giả mạo ngân hàng. Trang web này yêu cầu đăng nhập Internet Banking và mật khẩu. Sau bước đăng nhập, một mã OTP được gửi về điện thoại của bà Huyền.
“Người này yêu cầu tôi nhập OTP để nhận tiền về tài khoản. Sau khi nhập, tài khoản của tôi bị trừ 50 triệu ngay lập tức. Quá hoảng loạn, tôi hỏi lại người này thì họ nói tôi chụp ảnh màn hình tin nhắn trừ tiền của ngân hàng để xem lý do”, bà Huyền nói.
Ngay lúc chụp màn hình, một mã OTP khác được gửi về điện thoại bà Huyền. Với mã OTP thứ hai này, 50 triệu đồng tiếp theo lại được chuyển về tài khoản của kẻ lừa đảo.
“Người này tiếp tục bảo tôi nhập OTP vào trang web nếu không tài khoản sẽ bị đóng băng. Lúc này tôi quá hoảng loạn, như bị thôi miên nên nhập thêm OTP. Tổng cộng tôi bị lừa mất 150 triệu đồng”, bà Huyền chua xót kể lại.
Theo bà Huyền, vì đây là khách quen, đã mua hàng nhiều lần nên bà hoàn toàn tin tưởng. Tuy vậy, sau đó bà Huyền mới biết tài khoản Facebook của khách hàng này đã bị hacker tấn công.
Hiện bà Huyền đã trình báo vụ việc với Công an quận Cầu Đất, Hải Phòng.
“Chiêu lừa đảo này không phải mới. Khác với hình thức lừa đảo trước đây đánh vào lòng tham, cách mới này tập trung vào những người buôn bán hàng online không am hiểu các giao dịch ngân hàng.
Người dùng tuyệt đối không điền tài khoản Internet Banking vào bất cứ trang web nào có liên kết lạ để tránh mất tiền”, T. Đức, chuyên gia an ninh mạng đang làm việc tại Mỹ chia sẻ.
Không riêng bà Huyền, chị T. Xuân tại TP.HCM, kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà AirBnB cũng từng nhận được một giao dịch như vậy từ khách nước ngoài.
“Họ gửi một liên kết, yêu cầu đăng nhập để nhận tiền. Do từng có kinh nghiệm nhận tiền từ Western Union, tôi hiểu chỉ có thể ra đại lý chứ không thể nhận trực tuyến nên may mắn không bị lừa”, chị T. Xuân nói.
Trong email gửi đến Zing, ông Sabbir Ahmed – Giám đốc khối Dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản của ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ một số khuyến cáo đến người dùng để bảo vệ tài khoản.
Khi mua hàng trực tuyến, chủ thẻ nên kiểm tra xem trang web đó có được bảo mật hay không. Dấu hiệu để nhận biết một trang web được bảo mật chính là biểu tượng ổ khóa cạnh đường dẫn đến trang web trong thanh địa chỉ.
Chỉ nên giao dịch với những trang web có uy tín. Một số trang web mua hàng có thêm các tính năng như “Được xác nhận bởi Visa” hay “Mã bảo mật của MasterCard”. Đây là biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ cho chủ thẻ.
HSBC cũng khuyến cáo chủ thẻ lưu ý đến những tin nhắn điện thoại thông báo giao dịch và kiểm tra kỹ sao kê để chắc chắn các giao dịch đó hợp pháp.
Khi thấy nghi ngờ về bất kỳ giao dịch nào, chủ thẻ cần báo ngay cho ngân hàng càng sớm càng tốt. Nếu chủ thẻ thận trọng và báo cáo kịp thời các giao dịch có dấu hiệu bất thường, ngân hàng sẽ có biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn.