Tư vấn bán hàng
Nếu bạn tò mò muốn biết có bao nhiêu cách tản nhiệt cho CPU, và mình nên chọn cách nào thì hãy cùng Máy Chủ Hà Nội khám phá đáp án trong bài viết Cẩm nang build PC hôm nay nhé!
Với người dùng PC bình thường, việc tản nhiệt cho linh kiện bên trong thùng máy không quá quan trọng. Bạn chỉ cần lắp quạt tản nhiệt CPU vào đúng chỗ của nó và mở máy lên sử dụng bình thường. Nhưng đôi khi chúng ta sẽ thắc mắc rằng có những phương thức tản nhiệt nào cho CPU, và nên chọn cách nào cho phù hợp. Bài viết này của Máy Chủ Hà Nội sẽ giúp giải đáp những câu hỏi đó.
Những phương thức tản nhiệt cho CPU phổ biến
Hiện tại, có ba phương thức tản nhiệt được sử dụng phổ biến trên các PC của người dùng bình thường. Tùy thuộc vào cấu hình máy và nhu cầu sử dụng, chúng ta có thể chọn một trong ba giải pháp sau đây:
Tản nhiệt khí
Đây là phương thức đơn giản nhất, phổ biến nhất và có chi phí thấp nhất – thông thường, các CPU sẽ được bán kèm một khối tản nhiệt và bạn chỉ việc lắp quạt vào đúng chỗ trên mainboard. Tuy nhiên nhiều model CPU cao cấp ngày nay không bán kèm tản nhiệt và buộc người dùng phải tự mua riêng, đội thêm chi phí.
Trên các quạt tản nhiệt được bán ngoài thị trường (và cả quạt được bán kèm CPU), chúng ta thường có sẵn một lớp keo tản nhiệt được bôi trên bề mặt tiếp xúc giữa nắp CPU với phần tản nhiệt kim loại. Lớp keo này có tác dụng lấp đầy các khoảng cách nhỏ li ti giữa hai linh kiện, giúp chúng tiếp xúc tốt hơn và truyền nhiệt hiệu quả hơn. Nếu mất đi lớp keo này (hoặc chúng bị khô do lâu ngày), hiệu suất tản nhiệt sẽ kém hẳn đi và bạn cần thay thế bằng keo mới.
Khi máy tính hoạt động, CPU sẽ nóng lên và lượng nhiệt được tạo ra sẽ được truyền lên nắp CPU, qua keo tản nhiệt đến tản nhiệt CPU. Các quạt được lắp sẵn trên tản nhiệt sẽ đưa không khí lạnh đi qua các lá kim loại, hút đi nhiệt lượng và sau đó được các quạt hút trên thùng máy kéo ra ngoài. Nó phù hợp với đại đa số người dùng, bao gồm cả game thủ sở hữu PC mạnh mẽ.
Tản nhiệt nước AIO
“AIO” là viết tắt của All In One, hay tất cả trong một. Đây là dạng tản nhiệt bằng chất lỏng được ráp hoàn thiện sẵn, có hiệu quả cao hơn so với tản nhiệt khí, và dĩ nhiên là đắt đỏ hơn. Nó bao gồm một CPU Block chứa máy bơm đóng vai trò đẩy chất lỏng di chuyển trong đường ống, một radiator (bộ tản nhiệt) lớn cũng bao gồm lá kim loại và quạt. Chất lỏng trong đường ống sẽ hấp thụ nhiệt từ CPU và đi đến radiator, truyền nhiệt sang các lá kim loại mỏng và quạt trên radiator sẽ để đẩy nhiệt độ này ra bên ngoài thùng máy.
Radiator thường được lắp vào vị trí quạt tản nhiệt trên thùng máy, có thể chiếm 1, 2 hoặc thậm chí là 3 slot quạt. Cấu tạo của tản nhiệt nước AIO thường đơn giản, nhỏ gọn và không có nhiều linh kiện như tản nhiệt nước custom. Thông thường thì các tản nhiệt này có thể được lắp đặt rất dễ dàng, do chất lỏng đã được bơm sẵn vào trong đường ống và bạn chỉ việc gắn radiator vào thùng máy, gắn phần hấp thụ nhiệt (gọi là CPU Block) lên CPU và thế là xong.
Tản nhiệt chất lỏng custom
Đây là dạng tản nhiệt cao cấp nhất cho người dùng bình thường, và là phiên bản nâng cấp của AIO với chi phí đắt đỏ hơn. Bạn có thể phải chi đến chục triệu để làm dàn tản nhiệt chất lỏng custom trong những dàn máy tính “khủng”. Nó bao gồm nhiều linh kiện, ngoài radiator và đường ống thì còn có CPU block, GPU block, và nhiều hơn nữa tùy nhu cầu của người sử dụng. Bạn có thể chọn mua các linh kiện này theo ý thích của mình một cách dễ dàng.
Ngoài chi phí cao, nhược điểm của dạng tản nhiệt này còn nằm ở chỗ nó cần nhiều công sức bảo trì hơn là tản nhiệt khí hay AIO. Nếu không được bảo trì, chất lỏng dẫn nhiệt trong các đường ống có thể bị rò rỉ, hoặc hiệu suất tản nhiệt kém đi. Người dùng cũng ít khi có khả năng tự lắp đặt loại tản nhiệt này mà phải nhờ đến kỹ thuật viên của các cửa hàng làm hộ.
Bạn nên thực hiện những thao tác như lau rửa đường ống, thay thế chất lỏng, vệ sinh các bộ phận mỗi năm một lần khi dùng dạng tản nhiệt này. Dấu hiệu bộ tản nhiệt custom cần được bảo trì là chất lỏng đổi màu hay vẩn đục, có cặn hay rêu bên trong đường ống, rỉ sét xuất hiện trên các linh kiện,… Bù lại, hiệu suất tản nhiệt của nó là cực cao và bạn sẽ có một dàn PC chạy rất mát mẻ.
Những dạng tản nhiệt khác
Ngoài ba phương thức tản nhiệt CPU phổ biến bên trên, còn có một số cách khác ít khi được sử dụng mà Máy Chủ Hà Nội sẽ nhắc đến ngay bên dưới.
Tản nhiệt nitơ lỏng
Đây là phương thức làm mát CPU chỉ dành cho các overclocker theo đuổi việc đẩy xung nhịp của CPU lên cao nhất có thể trong một thời gian ngắn. Bạn không thể sử dụng phương thức tản nhiệt này lâu dài trong điều kiện bình thường bởi đúng như tên gọi, chúng ta cần sử dụng nitơ lỏng và “rót” trực tiếp nó lên CPU.
Khi sử dụng biện pháp này, CPU sẽ trở nên cực kỳ mát mẻ và vì thế có thể hoạt động ổn định dù bị overclock lên mức cực cao. Trong video trên, bạn có thể thấy CPU được overclock đến 6.9GHz nhờ sự trợ giúp của tản nhiệt nitơ lỏng.
“Ngâm” trong chất lỏng
Một số YouTuber đã thực hiện những dàn PC trông rất độc đáo khi các linh kiện trong thùng máy được ngâm mình trong chất lỏng mà vẫn hoạt động bình thường. Loại chất lỏng được sử dụng không phải là nước, mà là các loại dầu khoáng (mineral oil) không dẫn điện, nên không khiến các linh kiện PC bị chập mạch lúc hoạt động.
Đây không phải là một giải pháp tản nhiệt tốt và đôi khi người ta vẫn cần đến tản nhiệt nước custom cho các dàn máy này. Nhưng không thể chối cãi rằng khi sở hữu một dàn PC như thế này, bạn đã có được một dàn PC cực độc lạ và thú vị, có thể khiến bất kỳ ai nhìn thấy phải trầm trồ.
Lời kết
Như vậy là Máy Chủ Hà Nội đã chia sẻ với bạn về 5 giải pháp tản nhiệt cho CPU của máy tính, cách chúng hoạt động cũng như lựa chọn nào là phù hợp nhất với người dùng bình thường. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau.